Để phát triển, doanh nghiệp phải dựa vào các nguồn lực cơ bản như tiềm lực tài chính, tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, kỹ thuật,… Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Thông qua bài viết này, cung cấp cho nhà lãnh đạo, một cái nhìn tổng quan về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam, cũng như cung cấp một cách rõ ràng về vai trò của nguồn nhân lực và đề ra một số giải pháp cải thiện nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.
1. Thế nào là nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực đề cập đến tập hợp các cá nhân có khả năng và năng lực lao động, được sử dụng trong một quốc gia, khu vực hoặc tổ chức. Nguồn nhân lực bao gồm cả những người đang làm việc và những người có khả năng tham gia vào lực lượng lao động.
Nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần về số lượng người lao động mà còn liên quan đến trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm, cũng như chuyên môn nghề nghiệp. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo ra số lượng lớn nhân sự đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và dịch vụ.
2. Nguồn nhân lực có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp
Nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động của một doanh nghiệp. Dưới đây là những vai trò chính của nguồn nhân lực trong mối quan hệ với doanh nghiệp
2.1 Thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp
Để một công ty được hoạt động và duy trì cần có nguồn nhân lực. Nhân viên sẽ đóng góp vào quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Chính vì vậy, nhân lực được xem như nguồn cung cấp sức lao động và trí tuệ cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Đảm bảo hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ và mang lại các giá trị ngày càng tăng.
2.2 Tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nguồn nhân lực có khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Sự đa dạng về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhân viên có thể giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển ra những sản phẩm hoặc dịch vụ mới độc đáo và thu hút khách hàng hơn.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực giỏi còn góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thị trường, nhu cầu khách hàng đang thay đổi ra sao nhằm đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với thị trường ngày càng đa dạng và biến đổi không ngừng.
2.3 Xây dựng văn hóa tổ chức
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì văn hóa tổ chức. Trong đó, nhân viên chính là những đại diện về mặt hình ảnh cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của của doanh nghiệp. Họ góp phần vào việc thể hiện giá trị, mục tiêu và chỉ tôn của doanh nghiệp thông qua hành động và thái độ làm việc hàng ngày.
Cùng với đó, chất lượng kết quả công việc, hiệu suất làm việc của nhân viên cũng thể hiện một phần hình ảnh của công ty. Nếu nhân viên có thái độ chuyên nghiệp, nghiêm túc sẽ thể hiện quy trình quản lý của doanh nghiệp tốt hơn, môi trường làm việc cũng được đánh giá cao hơn. Từ đó, khách hàng có thể yên tâm khi hợp tác làm việc với công ty hơn.
2.4 Tạo động lực và năng suất cao hơn
Nguồn nhân lực được đầu tư, đào tạo và phát triển sẽ mang lại động lực và năng suất cao cho doanh nghiệp. Nhân viên có kỹ năng và kiến thức tốt sẽ làm việc hiệu quả, đạt được mục tiêu công việc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cũng như tài nguyên cho doanh nghiệp. Thông qua đó, đóng góp vào thành công của doanh nghiệp.
2.5 Xây dựng quan hệ và tương tác
Nguồn nhân lực giúp xây dựng mối quan hệ và tương tác trong tổ chức. Điều này bao gồm quan hệ giữa các nhân viên, quan hệ giữa các cấp quản lý với nhân viên, cũng như quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng. Việc xây dựng mối quan hệ và tương tác tích cực thường tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, tăng sự hài lòng và độ gắn kết của các nhân viên với nhau hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3. Thực trạng và thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam những năm gần đây
Trong 2-3 năm gần đây, nhân lực Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng mới cũng như có một số biến động không nhỏ. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) vào năm 2018 đạt 76% đã tăng lên 78% vào năm 2020. Điều này cho thấy sự gia tăng về quy mô và sự đóng góp của lực lượng lao động trong nền kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng trong nước đã tăng lên đáng kể, đặc biệt phải kể đến khối ngành công nghệ thông tin, kinh tế hoặc kỹ thuật. Điều này mang lại tiềm năng lớn về nguồn nhân lực tại Việt Nam trong việc phát triển cũng như ứng dụng các kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực chế tạo, nghiên cứu công nghệ, sản xuất hay dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần được lưu ý. Mặc dù tỉ lệ người lao động có trình độ đại học tăng, vẫn còn đông đảo người lao động chưa được đào tạo nâng cao, gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực đạt chất lượng cao. Ngoài ra, một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ thuật đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao.
4. Giải pháp giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
4.1 Đầu tư vào đào tạo, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động
Theo thống kê từ Báo cáo Tình hình lao động Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ có khoảng 21,6% người lao động Việt Nam được đào tạo chuyên môn. Do đó, đầu tư vào đào tạo sẽ đem lại lợi ích lớn cho việc nâng cao chất lượng nhân lực.
Có thể thực hiện thông qua việc tạo ra các chương trình đào tạo nội bộ công ty, các khóa học phát triển kỹ năng: kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp, kỹ năng xây dựng, làm việc nhóm,… Hoặc hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu tạo ra những buổi trao đổi, chia sẻ với sinh viên về những điều cần cải thiện trong quá trình học tập. Thông qua buổi chia sẻ này, có thể trao đổi với sinh viên về phương pháp vừa học vừa thực hành hiệu quả hoặc chia sẻ về những kỹ năng mà sinh viên cần phải có trước khi đi làm.Tuy nhiên, quá trình đào tạo này cần sự liên tục và phải có đánh giá hiệu quả thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng để ngay lập tức đề ra giải pháp khắc phục.
4.2 Xây dựng môi trường làm việc thu hút và gắn kết
Tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh mà nhiều nhân viên ao ước, tạo động lực làm việc cho nhân viên, tạo mối quan hệ tốt, gắn kết giữa lãnh đạo với nguồn nhân lực.
Điều này có thể đạt được thông qua việc cải thiện chính sách thu nhập công bằng, tạo ra các chính sách khen thưởng khi nhân viên đạt kết quả tốt trong công việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên cung cấp cơ hội cho nhân viên phát triển sự nghiệp, khuyến khích sự sáng tạo cũng như đề cao giá trị, đóng góp trong công việc của từng nhân viên.
Nghiên cứu từ Nielsen cho thấy rằng 67% người lao động Việt Nam tin rằng một môi trường làm việc tốt sẽ giúp tăng cường hiệu suất làm việc và sự hài lòng công việc. Vì vậy, xây dựng một môi trường làm việc tích cực sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nhân lực.
4.3 Tăng cường sự phát triển cá nhân và thúc đẩy hòa nhập công việc
Đảm bảo rằng nhân viên có cơ hội phát triển cá nhân cũng như khám phá tiềm năng bản thân. Tạo ra các chương trình phát triển cá nhân, hỗ trợ việc học tập, thúc đẩy sự chuyển đổi, thích nghi với môi trường công việc.
Thông thường, khi nhân viên có cơ hội phát triển bản thân họ sẽ có xu hướng tự đánh giá công việc một cách tốt hơn, cảm thấy có động lực cao hơn trong công việc. Do đó, tăng cường sự phát triển cá nhân sẽ giúp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.
Tóm lại, bằng việc đầu tư vào đào tạo và phát triển, xây dựng môi trường làm việc thu hút và gắn kết, cũng như tăng cường sự phát triển cá nhân, doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Đây là giải pháp hữu ích để nhà lãnh đạo có thể định hình chiến lược nhân sự và xây dựng một đội ngũ nhân viên xuất sắc trong thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.